Nước là một trong các nhân tố quan trọng nhất đối với trong đời sống, không chỉ đối với sức khỏe con người mà còn với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đặc biệt đối với môi trường sinh thái. Dưới đây là thực trạng sử dụng nước hiện nay tại Việt Nam do Scimitar Vietnam tổng hợp, thống kê.
1. Vai trò của nước
Nước là một phần thiết yếu của cuộc sống vì 60 – 70% cơ thể là nước, nước dẫn truyền chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể, tạo sự mềm mại cho da, điều hòa nhiệt độ, bôi trơn các khớp xương và quan trọng nhất là nuôi sống bộ não.
Nước là một hợp chất hóa học của ôxy và hiđrô, có công thức hóa học là H2O. Với các tính chất lý hóa đặc biệt (ví dụ như tính lưỡng cực, liên kết hidro và tính bất thường của khối lượng riêng) nước là một chất rất quan trọng trong nhiều ngành khoa học và trong đời sống. Ví dụ: 70% diện tích của Trái Đất được nước che phủ nhưng chỉ 0,3% tổng lượng nước trên Trái Đất nằm trong các nguồn có thể khai thác dùng làm nước uống.
Nước uống hay nước sạch là các loại nước đủ độ tinh khiết tối thiểu để con người hoặc các loài động vật, thực vật có thể uống, tiêu thụ, hấp thu hoặc sử dụng mà ít gặp nguy cơ tác hại trước mắt hoặc về lâu dài. Trong hầu hết các nước phát triển, nước uống được cung cấp cho các hộ gia đình, các hoạt động thương mại và công nghiệp là nước uống phải đạt tiêu chuẩn về vệ sinh (thường là nước máy, nước ngọt, nước lọc). Nước sạch là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá về chất lượng cuộc sống.
Phân biệt nước sạch, nước tinh khiết và nước khoáng:
- Nước sạch: Nước uống sạch là nước không có màu, mùi vị khác thường gây khó chịu cho người uống, không có các chất tan và không tan độc hại cho con người, không có các vi khuẩn gây bệnh và không gây tác động xấu cho sức khoẻ người sử dụng trước mắt cũng như lâu dài.
- Nước tinh khiết: được lấy từ các nguồn nước ngầm, nước máy,… qua các công đoạn xử lý, tinh lọc, tiệt trùng,…. được đóng vào chai. Tuy nhiên, vì quá tinh khiết nên trong nước hầu như không còn chút khoáng chất, nguyên tố vi lượng mà cơ thể con người rất cần được bổ sung hàng ngày.
- Nước khoáng: được khai thác từ các nguồn khoáng sâu trong các tầng địa chất. Nước khoáng có chứa các nguyên tố vi lượng và các khoáng chất cơ bản có ích như: Potassium, Sodium, Magnesium, Calcium,….; với những khoáng chất từ tự nhiên nên cơ thể dễ dàng hấp thu và bù đắp kịp thời phần nào lượng muối khoáng mất đi do vận động, giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện làn da.
2. Thực trạng sử dụng nước hiện nay
Hiện ở Việt Nam có 108 lưu vực sông, với khoảng 3.450 sông, suối chiều dài từ 10 km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng từ 830 tỷ m3 đến 840 tỷ m3, trong đó có hơn 60% lượng nước được bắt nguồn từ nước ngoài, chỉ có khoảng 310-320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Nguồn nước mặt ở Việt Nam phân bổ không đều, không chỉ về mặt không gian mà thay đổi theo thời gian cả năm.
Ở miền Bắc, mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 11, ở miền Trung và miền Nam, mùa khô bắt đầu muộn hơn, thường vào tháng 1. Mùa khô thường kéo dài từ 6 đến 9 tháng, các lưu vực sông ở miền Trung có mùa khô dài nhất. Lưu lượng tự nhiên trong mùa khô chiếm 20-30% tổng lưu lượng năm.
Hiện cả nước có hơn 770 đô thị, trong đó có hai đô thị đặc biệt; 15 đô thị loại một; 14 đô thị loại hai; 53 đô thị loại ba; 65 đô thị loại bốn, còn lại là đô thị loại năm. Tuy vậy, tỷ lệ dân đô thị hưởng dịch vụ thoát nước chỉ chiếm khoảng 60% và tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới đạt khoảng 12%.
Tình hình ô nhiễm nước
Điển hình như tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn nước thải sinh hoạt đa ô nhiễm không được xử lý, đổ thẳng vào các ao, hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Đồng Nai – Sài Gòn.
Cùng với sự đô thị hóa nhanh và phát triển công nghiệp, các vấn đề môi trường như rác thải, nhất là tình trạng ô nhiễm nước ngày càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Theo hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, nước thải chiếm khoảng 80% tổng số nước thải tại các thành phố nhưng chỉ có khoảng 6% được xử lý. Ông Yutaka Matsuzawa, chuyên gia môi trường của tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam, cũng khẳng định rằng nguồn nước thải là hiểm họa môi trường hàng đầu tại Việt Nam.
Báo cáo toàn cầu được tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố (2010) cho thấy, mỗi năm Việt Nam có hơn 20.000 người tử vong do điều kiện nước sạch và nghèo nàn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 80% các bệnh truyền nhiễm ở nước ta liên quan đến nguồn nước, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3 nước, gần 82% tổng lượng nước mặt trên toàn quốc được sử dụng cho tưới, 11% cho nuôi trồng thủy sản, 5% cho công nghiệp, 3% cho nông nghiệp và 3% cho đô thị. Do khai thác nước không hợp lý, không theo quy hoạch nên nguồn nước đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nước sông ô nhiễm
Hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều đã và đang bị đa ô nhiễm với các mức độ khác nhau, trong đó ô nhiễm chủ yếu các vùng trung và hạ lưu, khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, hiện tượng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm.
Nước thải chưa qua xử lý
Tại các khu công nghiệp hàng trăm đơn vị sản xuất lớn nhỏ, hàng tấn nước thải rác thải chưa qua xử lý đã xả trực tiếp vào đường ống, các chất ô nhiễm hữu cơ, các kim loại còn nguyên trong nước đã thâm nhập vào nguồn nước.
Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất, các lò mổ cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải. Ngay cả các bệnh viện, hiện thải khoảng 7.000 m3/ngày, thì chỉ có 30% trong số này là được xử lý.
Khu vực nông thôn
Ở nông thôn do điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, cơ sở lạc hậu, các chất thải sinh hoạt và cả gia súc, gia cầm chưa qua xử lý đã thấm xuống các mạch nước ngầm, nếu sử dụng nước ngầm không xử lý sẽ có khả năng mắc các bệnh do nước gây ra. Bên cạnh đó, việc lạm dụng phân bón và các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các kênh mương, sông hồ bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngoài ra ô nhiễm nguồn nước mặt, thì nguồn nước dưới đất cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác.
Nước nhiễm mặn khu vực ĐBSCL
Trong thời gian qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thực trạng nhiễm mặn trong các nguồn nước sinh hoạt ngày càng cao. Trong những năm gần đây tại đồng bằng sông Cửu Long nước mặn xâm nhập sớm và lâu hơn, lấn sâu vào nội đồng theo hệ thống sông, kênh rạch với những diễn biến phức tạp.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nguồn nước mùa khô 2019-2020 sẽ ít, nguy cơ mặn xuất hiện sớm và hạn hán có thể xảy ra. Mặn mùa khô 2019-2020 xuất hiện sớm so với năm 2018-2019 khoảng 10-30 ngày, và sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 tháng (tùy vào từng vùng).
Từ tháng 12/2019, mặn có khả năng ảnh hưởng các cống lấy nước phạm vi cách biển đến 30-35km. Tháng 1-2/2020, ranh mặn 4g/l lấn sâu vào nội địa 45-55km (mức độ lấn sâu tùy vào từng cửa sông). Đặc biệt, các ngày trường cường, gió chướng mạnh xâm nhập mặn có thể tăng đột biến so với dự báo nhưng ở thời đoạn ngắn.
Một số vùng ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn trong thời gian tới như các huyện: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang; huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú của Bến Tre; Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang của Trà Vinh; Long Phú, Trần Đề của Sóc Trăng; Vĩnh Lợi, Phước Long của Bạc Liêu,…
Nước thải nhiễm mặn có các đặc trưng điển hình của nước thải sinh hoạt: BOD5 dao động từ 100 – 200 mg/l; COD 200 – 400mg/l; TKN: 60 -120 mg/l ; NH4-N: 15 – 30 mg/l… và độ mặn tính theo NaCl dao động từ 3000 – 30000 mg/l, tùy thuộc vào lượng nước sử dụng và tỷ lệ nước mặn dùng để vệ sinh. Tương tự, nước thải chăn nuôi (trường hợp nuôi heo) nhiễm mặn có COD dao động từ 5000 -10000 mg/l, TKN 400 – 600 mg/l và NH4-N 150 – 300 mg/l, với độ mặn tính theo NaCl dao động từ 3000 – 30000 mg/l, tùy thuộc vào lượng
nước vệ sinh và tỷ lệ nước mặn được sử dụng.
Trong môi trường nước mặn, các vi sinh vật (VSV) mất hoạt tính vì quá trình plasmolysis xảy ra với sự có mặt của muối ăn, nghĩa là hiện tượng co hẹp của chất nguyên sinh cách xa vách tế bào của vi khuẩn do mất nước dưới tác dụng của áp suất thẩm thấu, dẫn đến những khoảng trống giữa các tế bào và màng tế bào. Điều này tác động xấu đến khả năng sinh trưởng của các VSV, vì thế, các hệ thống xử lý sinh học truyền thống thường không hiệu quả trong việc loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ trong môi trường nước mặn (Lefebvre, 2006).
Nguồn: Xu hướng ứng dụng công nghệ lọc nước siêu hấp thu (CDI) xử lý nước đa ô nhiễm, nhiễm mặn cho nước uống, sinh hoạt và sản xuất – Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN (Sở Khoa Học và Công Nghệ TP.HCM).