You are currently viewing 4 nguồn nước sinh hoạt chính hiện nay, đặc điểm và phương pháp xử lý

4 nguồn nước sinh hoạt chính hiện nay, đặc điểm và phương pháp xử lý

Nước sinh hoạt là các nguồn nước dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, tắm rửa, giặt giũ…và phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo Thông tư 41/2018-TT-BYT ban hành về Quy chuẩn chất lượng nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước sinh hoạt được cung cấp từ 4 nguồn chính: Nước máy (nước thủy cục, nước không tên), nước ngầm (nước giếng khoan, đào…), nước mưa, nước sông hồ. 4 nguồn nước nói trên đều có các đặc điểm và tính chất riêng, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Nguồn nước sinh hoạt

Nước máy (nước thủy cục, nước không tên)

Nước máy là nước đã qua các hệ thống xử lý theo phương pháp Công nghiệp, dùng để cung cấp cho một khu vực đô thị hoặc khu dân cư, khu nhà máy sản xuất…. Nguồn cung cấp nước cho các nhà máy xử lý nước máy thường là sông, hồ, một số nơi sử dụng nước ngầm, ở Việt Nam, nguồn cung cấp thường được lấy từ nước sông. Hiện nay nước máy đang là nguồn nước sinh hoạt chính ở đa số các hộ gia đình. Nước máy đã qua các công đoạn xử lý phức tạp nên thường đảm bảo tiêu chuẩn nguồn nước sinh hoạt

Nước máy là nguồn nước sinh hoạt phổ biến nhất hiện nay

Tham khảo chi tiết thêm phương pháp để xử lý nước cấp tại đây.

Nước ngầm

Các nguồn cung cấp nước ngầm thường là từ giếng đào, giếng khoan hoặc đầu nguồn của các con suối. Đặc tính của nước ngầm phụ thuộc vào lớp trầm tích dưới đất nơi nước chảy qua. Các vấn đề của nước ngầm thường là: lượng oxy hòa tan (DO) thấp, nhiễm sắt hòa tan, bị cứng, nhiễm các chất hóa học do các hoạt động của con người… Chính vì các lý do trên nên nước ngầm gần như là nguồn nước khó xử lý nhất để phục vụ sinh hoạt. Ở bài viết này ta sẽ tìm hiểu 2 đặc điểm phổ biến nhất của nước ngầm

Nước cứng: nước cứng là nước có lượng khoáng chất (thường là Ca, Mg) trong nước cao, thường ở dạng muối hòa tan. Nước cứng được hình thành khi dòng nước chảy qua các lớp trầm tích đá vôi, thạch cao…Nước cứng không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, hoạt động công nghiệp. Có nhiều phương pháp xử lý nước cứng như: làm mềm, khử khoáng, lọc thẩm thấu ngược, chưng cất…nhưng trong xử lý nước sinh hoạt ta khử độ cứng của nước bằng phương pháp làm mềm. Xem cụ thể bài viết về phương pháp xử lý nước cứng tại đây

Nước nhiễm kim loại nặng: Các kim loại nặng trong nước chủ yếu là Sắt, Chì, Kẽm, Asen… Trong đó nước nhiễm sắt là nhiều và phổ biến nhất. Đặc điểm của nước nhiễm kim loại nặng nói chung là nước có mùi tanh, đổi màu nâu đỏ hoặc đen xám sau khi tiếp xúc với không khí. Nước nhiễm kim loại nặng gây ố vàng cho đường ống, quần áo, vật dụng tiếp xúc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, một số kim loại nặng gây độc cho sức khỏe như Asen, Thủy ngân, chì…

Nước nhiễm kim loại nặng thường được xử lý bằng phương pháp làm thoáng, sau đó cho qua các vật liệu lọc chuyên dụng, xử lý bằng hệ lọc RO, trao đổi ion…. Xem cụ thể bài viết về các phương pháp xử lý nước nhiễm kim loại nặng tại đây

Nguồn nước ngầm để sinh hoạt chủ yếu là từ ngước giếng

Nước sông, suối, ao, hồ

Với tốc độ đô thi hóa cao như hiện nay, người ta ngày càng ít sử dụng nước sông, suối, ao, hồ cho mục đích sinh hoạt, thay vào đó nguồn nước này được sử dụng nhiều cho mục đích trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất. Đặc điểm của nước sông suối là có nồng độ oxy hòa tan (DO) cao, hàm lượng cặn lơ lửng, phù sa lớn, nồng độ chất hữu cơ trong nước cao, ít kim loại nặng, chất hòa tan trong nước hơn nước ngầm. Tuy nhiên hiện nay nguồn nước này đang chịu ô nhiễm do phát thải từ con người nên mức độ ô nhiễm phức tạp hơn rất nhiều.

Để xử lý nước sông, suối, ao hồ ta thường phải tích nước vào trong ao/bể điều hòa để làm lắng các cặn lơ lửng và tạo điều kiện cho các vi sinh vật xử lý 1 phần các chất ô nhiễm (đây là khả năng tự làm sạch của nước trong môi trường tự nhiên). Sau đó tùy theo tính chất của nước và mục đích sử dụng mà ta dùng các phương pháp xử lý khác nhau, thường sau khi lắng nước sẽ được xử lý hóa chất, lắng tam cấp, xử lý vi sinh bằng chlorine.

Mức độ ô nhiễm của nước mặt hiện nay rất phức tạp

Xem thêm Chức năng của vật liệu lọc sao cho phù hợp với từng nguồn nước tại đây.

Nước mưa

Trong nhiều tiêu chuẩn của nguồn nước, hầu hết nước mưa được quy ước là nước sạch. Độ ô nhiễm của nước chỉ được tạo nên trong quá trình rơi xuống, hạt nước tiếp xúc bụi và các khí ô nhiễm. Ở một số vùng chưa có nước máy, người ta vẫn sử dụng nước mưa để làm nước uống.

Phương pháp để xử lý nước mưa cũng khá đơn giản, ta chỉ cần sử dụng lọc chặn để lọc bớt bụi bẩn, sau đó qua một lớp vật liệu lọc (than hoạt tính, vật liệu lọc đa năng) là có thể sử dụng làm nước sinh hoạt, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như vùng có khí thải ô nhiễm nhiều, mưa acid… Nhìn chung nước mưa là nguồn nước khá tốt để sinh hoạt, tuy nhiên điểm hạn chế của nước mưa là nguồn nước không ổn định, tích trữ trong các bồn chứa không đảm bảo tiêu chuẩn dễ làm nhiễm khuẩn và phát sinh bọ gậy.

Nước mưa thường được quy ước là nước sạch

Dưới đây là tổng quan về 4 nguồn nước sinh hoạt chính và các phương pháp xử lý chúng. Hiện nay với nhiều công nghệ hiện đại và trang thiết bị tiên tiến, ta có thể xử lý gần như mọi nguồn nước ra đúng theo tiêu chuẩn mong muốn.

Xem các hệ thống lọc nước sinh hoạt do Scimitar cung cấp tại đây.

Tìm hiểu thêm về các phương pháp xử lý nước sinh hoạt tại đây.